Địa chỉ: TM 106 - Tầng 1 Chung cư HPC Landmark 105 - KĐT Văn Khê - La Khê - Hà Đông - Hà Nội
ĐỌC SÁCH KIẾN TẠO TƯƠNG LAI là tổ chức giáo dục tiên phong trong việc phát triển những mô hình, sản phẩm giáo dục sáng tạo, bổ ích và phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Trong đó sản phẩm nổi bật nhất là chuỗi các khóa học phù hợp với trẻ từ 10 đến 18 tuổi, bao gồm: Các lớp đọc từ Bậc 1 đến Bậc 5 để rèn luyện về tư duy, nhân cách, khai phá nội lực,... để kiến tạo tương lai. Các lớp Văn chuyên sâu từ Lớp 6 đến 12.
[HƯỚNG DẪN ĐỌC SÁCH CÙNG CON] 4 BÍ KÍP CHỌN SÁCH CHO CON Chỉ cần bạn chọn cho con cuốn sách phù hợp, chắc chắn con sẽ yêu thích đọc sách hơn. Chọn sách là một trong những kĩ năng quan trọng và cần thiết, không chỉ bạn mà con bạn cũng cần có. Trước khi có con, bạn đã nghĩ ra những viễn cảnh vô cùng đẹp đẽ. Bạn vạch ra hẳn một lộ trình để xây dựng những thói quen tốt cho con và thói quen đọc sách là một trong số đó. Bạn có biết rằng, một trong những lí do quan trọng khiến con cảm thấy chán ghét, thậm chí sợ đọc sách là vì con phải đọc những cuốn sách chưa thực sự phù hợp với mình (độ tuổi, sở thích, thiên hướng bên trong...). Chỉ với những bí kíp đơn giản dưới đây, bạn có thể trở thành chuyên gia trong việc chọn sách cho con. 1. Nghĩ về độ tuổi của con trước khi chọn sách Khi được bố mẹ lựa chọn cho những cuốn sách phù hợp với độ tuổi, con bạn sẽ cảm thấy việc đọc sách trở nên dễ dàng và thú vị hơn. Với những bé từ 0 - 2 tuổi, lựa chọn những cuốn sách bìa cứng (board book), sách vải là rất phù hợp. Bé sẽ được thỏa thích khám phá cuốn sách với nhiều cách khác nhau: gặm, lật ngược... Trẻ 3 - 5 tuổi sẽ bị thu hút bởi những cuốn sách có hình ảnh to, đẹp, sắc nét. (Bạn có thể tham khảo thêm bảng chọn sách theo độ tuổi ở phần dưới.) 2. Đứa trẻ thường chú ý vào những gì mình thích, vì vậy bạn hãy chọn những cuốn sách về chủ đề mà con đang quan tâm. Khi đọc những cuốn sách ấy, con bạn sẽ không còn cảm thấy nhàm chán mà thay vào đó là những trải nghiệm thú vị. Bạn đừng quá lo lắng khi nghĩ con chỉ đọc những cuốn theo chủ đề mà con con quan tâm. Khi việc đọc đã trở thành thói quen, con sẽ có nhu cầu tìm hiểu những chủ đề khác, những cuốn sách hấp dẫn hơn. Ví dụ cậu bé của bạn rất thích những chiếc ô tô, bạn sẽ chọn những cuốn sách truyện về ô tô. Sau đó, bạn cho con thêm những cuốn sách về khoa học. Nếu con quan tâm và thấy thích thú với khủng long, bạn hãy thử cho con đọc những cuốn sách có hình ảnh khủng long, sau đó con sẽ quan tâm hơn đến những cuốn sách lịch sử, khảo cổ học. 3. Khi con bạn đã thích đọc sách của một tác giả nào đó, bạn có thể tìm những cuốn sách khác của tác giả ấy cho con. Một bạn nhỏ thích cuốn Ngón tay thần kì của Roald Dahl thì chắc chắn sẽ thích các cuốn khác của tác giả như: Thần dược của George, Charlie và nhà máy Sôcôla, Hươu cao cổ, chim bồ nông và tôi, Bác Fox tuyệt vời... Đây là cách chọn sách tiết kiệm thời gian và chắc chắn có hiệu quả cao. 4. Lựa chọn những cuốn sách có tính thử thách đối với con của bạn là một ý tưởng tuyệt vời. Bạn có hay phải nghe từ “chán” phát ra từ con bạn hay không? Đứa trẻ thường cảm thấy nhàm chán với những gì quá quen thuộc, quá dễ dàng với chúng. Bạn có thể nâng độ khó của cuốn sách lên so với khả năng của con bạn. Ví dụ, một cuốn sách có khoảng 3 - 5 từ khó đối với con, đứa trẻ sẽ luôn được kích thích trí tò mò, có nhu cầu để hiểu được những từ đó. Tuy nhiên, để tìm được những cuốn sách như vậy, bạn sẽ phải có thời gian để đọc trước và chuẩn bị luôn tâm thế để giải mã từ ngữ cho con. Song, bạn lưu ý là không chọn những cuốn sách quá khó với con, nếu lượng từ ngữ khó ở cuốn sách chiếm tới ⅔, thì chắc chắn con bạn sẽ sợ hãi và không muốn đọc nữa. Khi bạn cảm thấy việc chọn sách cho con thật đơn giản và dễ dàng, hãy dạy cho đứa trẻ của mình để chúng biết cách chọn sách một cách độc lập nhé. Với những cách chọn sách như vậy, sẽ dễ dàng hơn để bố mẹ bước đầu khơi dậy được tình yêu đọc sách trong con.
[GIÁO DỤC] NHỮNG ĐỨA TRẺ KHÔNG ĐỔ VỪA KHUÔN Sự giáo dục, nói chung, chẳng bao giờ có công thức. Không có một công thức chung nào để có thể thuyết phục, cảm hóa vài tỉ con người sinh ra vào những giờ khắc khác nhau, trong những không gian và điều kiện khác nhau. Bạn sẽ dễ dàng nhận ra chúng trong một lớp học, hoặc trong một sân chơi. Những đứa trẻ không đổ vừa khuôn thường ngồi một mình một góc, chơi một mình một trò, chọc phá các bạn khác, chống đối các kỉ luật, lơ đãng và hay hỏi những thứ không ai hiểu nổi, viết tay trái… Chúng bao giờ cũng bị coi là thành phần ngoại vi, hoặc người ta không thèm để ý đến, hoặc người ta phát cáu và đuổi ra khỏi lớp học, hoặc bất lực và mặc kệ chúng muốn làm gì thì làm. Lẽ dĩ nhiên, là cha mẹ, ai cũng muốn con mình là con ngoan trò giỏi, đi học được cô giáo khen, đi chơi chan hòa với bạn bè, ở nhà nghe lời bố mẹ, ra đường tự tin lễ phép. Và họ thường so sánh: tại sao các bạn khác được như thế, mà con mình thì không. Họ không mệt mỏi tìm những biện pháp để nhốt chúng vào một cái khuôn nào đó, nhưng càng muốn nhốt chúng lại càng muốn trồi ra, trượt đi. Thực ra, trong quá trình tiếp xúc với rất nhiều trẻ con, tôi nhận thấy một tiềm năng rất to lớn ẩn bên trong những đứa trẻ không đổ vừa khuôn. Về bản chất, chúng là những đứa trẻ tốt một cách thái quá: hiền lành thật thà một cách thái quá, năng động một cách thái quá, thông minh một cách thái quá, sáng tạo và giàu tưởng tượng một cách thái quá, nhạy cảm và mơ màng thái quá… (nguồn ảnh: Pixabay.com) Chính vì thế, chúng trật ra khỏi mọi khuôn khổ, phép tắc, bị tách khỏi đám đông. Ở trường, người ta gọi chúng là nhóm học sinh cá biệt, hoặc đặc biệt, với đủ các thứ danh hiệu hay ho: trẻ tự kỉ, kẻ phá bĩnh vô phương cứu chữa, hoặc khủng hơn, trẻ hư hỏng, sao quả tạ… Chúng là nỗi kinh hoàng của giáo viên và đối tượng gièm pha của các bạn trong lớp và nỗi thất vọng, bất lực, đau khổ của phụ huynh. Dưới áp lực khủng khiếp của kiểm tra, thi cử, thành tích, những đứa trẻ không đổ vừa khuôn thường là những đứa trẻ bị bỏ lại phía sau. Trong khi các thang bậc đánh giá cố gắng nén tất cả các đứa trẻ vào một cái khuôn, thì người ta không có cách nào nhốt những đứa trẻ không đổ vừa khuôn vào bất cứ một cái rọ chung nào. Làm thế nào để có một kì thi chung cho những đứa thiên tài chọc phá, những thi sĩ đắm mình trong thế giới nội tâm, những kẻ mơ mộng hão huyền, những đứa trẻ có tư duy phê phán quá xuất sắc, những kẻ luôn ấp ủ trong đầu một ý tưởng đột phá, những đứa trẻ viết tay trái cực chậm và xấu nhưng bộ não lại chạy với tốc độ quá nhanh? Và thế là, chúng luôn đứng bét trong các kì thi chuẩn mực, và thật khó có một sân chơi nào phù hợp với chúng. Những môn học hữu hạn trong nhà trường cũng không đáp ứng nổi nhu cầu của chúng. Một nhịp điệu cuộc sống ngày nào cũng như ngày nào làm chúng cảm thấy chán nản. Lũ bạn bè luẩn quẩn với những trò chơi tẻ nhạt không thuyết phục được chúng. Và thế là, tuy thuộc những loại không đổ vừa khuôn rất khác nhau, song chúng đều có một điểm chung - đó là sự cô đơn. Chúng chẳng những không hòa nhập với những đứa trẻ vừa khuôn, mà cũng chẳng tìm được tiếng nói chung với những đứa trẻ không đổ vừa khuôn như chúng. Cảm giác cô đơn, đôi khi rất cần thiết để chúng tự xác lập mình như một cái tôi khác biệt. Ý thức mình là khác biệt khiến cho chúng dám đi trên con đường mà chúng lựa chọn. Trong khi những đứa trẻ khác thường rất dễ bị cuốn vào dòng chảy của các áp lực và trào lưu thời thượng, những kẻ cô đơn ý thức được rất rõ mình cần gì. Trong khi những đứa trẻ khác thường có xu hướng trở thành những kẻ a dua a tòng phụ thuộc vào kẻ khác, thì những kẻ cô đơn thường tự tạo cho mình một sân chơi với những luật lệ riêng. Những thiên tài nghệ thuật, những bộ óc trác tuyệt về khoa học, thậm chí những nhà lãnh đạo lừng danh chẳng phải đã từng là những đứa trẻ không đổ vừa khuôn hay sao? Chẳng phải con đường họ đi trong suốt cuộc đời luôn luôn là một hành trình đầy liều lĩnh, thậm chí gàn dở và luôn luôn cô đơn hay sao? Nhưng cảm giác cô đơn cũng có thể khiến chúng trở nên yếu đuối và dễ bị tổn thương. Vì lẽ đó, bên trong những vẻ ngoài vô cảm, lì lợm, khó ưa, rất có thể là một trái tim mỏng manh cần được che chở. (nguồn ảnh: Pixabay.com) Chúng vô cùng nhạy cảm với những định kiến, sự phân biệt đối xử, sự áp đặt, nhạo báng… và luôn trong tư thế tự vệ, xù lông như một con nhím hoặc thu mình lại trong vỏ ốc. Dường như chả có một công thức nào trong việc tiếp cận một đứa trẻ không đổ vừa khuôn, bởi chúng bao giờ cũng là một bản thể vô cùng phức tạp, thất thường. Cảm giác về sự cô đơn tạo nên một bức tường ngăn chúng với đồng loại, khiến cho chúng thật khó có thể giãi bày với kẻ khác, và thậm chí có khi tạo nên cho chúng một lớp vỏ bọc trái ngược hoàn toàn với bản chất bên trong. Như mọi đứa trẻ khác, chúng mong muốn được quan tâm và yêu thương. Nhưng cách mà chúng làm để thu hút sự chú ý của người khác nhiều khi dễ gây nên sự hiểu lầm: chúng luôn đòi hỏi thái quá, muốn làm nổi bật sự hiện diện của bản thân trong cuộc sống bằng những hành động ngược đời, dại dột. Thay vì tỏ ra ngoan ngoãn tuân phục, chúng lại muốn chiếm cảm tình của người khác bằng sự chống phá. Đôi khi, một hành động phá phách ngạo ngược nhất của những đứa trẻ không đổ vừa khuôn lại xuất phát từ một động cơ không gì chính đáng và dễ thương hơn: được tôn trọng và yêu thương. Chỉ có những trái tim co giãn mênh mông, một con mắt có khả năng nhìn xuyên thấu tâm can kẻ khác, cùng với một sự bình tĩnh và khả năng kiềm chế vô hạn độ mới chịu đựng nổi những cung bậc cảm xúc luôn luôn thái quá và những đòi hỏi nhiều khi phi lý của những đứa trẻ không đổ vừa khuôn. Sự giáo dục, nói chung, chẳng bao giờ có công thức. Không có một công thức chung nào để có thể thuyết phục, cảm hóa vài tỉ con người sinh ra vào những giờ khắc khác nhau, trong những không gian và điều kiện khác nhau. Không có một dây chuyền sản xuất nào có thể sản xuất ra những sản phẩm giáo dục hoàn hảo như nhau. Không có một chương trình nào có thể làm hài lòng tất cả các mong đợi khác nhau của phụ huynh lẫn học sinh. Làm giáo dục, có nghĩa là bạn luôn phải đương đầu với thách thức, nhưng lại chỉ có thể dựa vào bản thân. Bạn phải hiểu biết về con người nói chung, nhưng bạn không được phép bỏ qua mỗi cá thể. Mỗi cá thể luôn là độc lập, riêng biệt, không hoàn hảo, thất thường, thái quá, vì vậy không thể nhốt chúng vào một khuôn. (nguồn ảnh: Pixabay.com) Khi không thể nhốt vào một khuôn, bạn đừng trông đợi vào một phác đồ điều trị nào mà người khác chỉ định, bạn phải tự tìm ra cách điều trị đối với mỗi trường hợp khác nhau. Nhưng điều quan trọng nhất, nền tảng của tất cả, luôn là một sự lắng nghe đầy kiên nhẫn, tôn trọng và cảm thông.
[GIÁO DỤC] NHỮNG ÔNG BỐ CHỞ CON ĐI HỌC Những đứa con, đặc biệt là con trai, sẽ học hỏi ông bố một cách vô thức, không phải bằng những lời giáo huấn, mà từ những hành động nho nhỏ thường ngày. Tài khoản tình cảm mà ông bố gửi vào trái tim của con chắc chắn sẽ lớn lên. Bố con đi công tác nên mấy hôm nay tôi phải chở con trai đến trường. Mọi phương tiện đều tắc nghẽn. Trong lúc loay hoay trên đường, tôi chợt chú ý tới một ông bố đang chở cô con gái trên chiếc xe Lead màu đỏ. Ông bố đi rất từ tốn, nghiêm túc. Cô con gái ngồi thọc tay vào túi áo của bố, dựa đầu vào vai bố. Hai bố con bình tĩnh thong dong giữa con đường nườm nượp xe cộ. Tự nhiên, tôi thấy hình ảnh này sao mà đẹp quá. Giữa cái lạnh se se của một buổi sáng chớm đông, tôi chợt cảm thấy một điều gì đó thật ấm áp và yên bình. Nếu đi trên các con đường vào giờ cao điểm ở Hà Nội, bạn có thể dễ dàng bắt gặp cảnh tượng một người mẹ đang chật vật đèo 1 đến 2 đứa con đi trên đường, với túi tắm, khăn mũ, ba lô lỉnh kỉnh giăng đầy trên chiếc xe máy, đang vất vả len lỏi giữa dòng người chật như nêm. Những người mẹ đó có lẽ vừa lao ra từ cơ quan sau một ngày làm việc hoặc nhàm chán, hoặc căng thẳng, lại phi ngay đến trường đón con cho kịp giờ, rồi có thể trên đường về sẽ tạt nhanh qua chợ, mua gì đó cho bữa tối. Cô ấy phải tính toán từng phút, để không việc gì chồng lên việc gì, trong thời gian ngắn ngủi nhất, phải hoàn thành được tất cả mọi việc, bởi chỉ cần chùng chình một chút, là mọi thứ rất có thể sẽ đảo lộn. (nguồn ảnh: Pixabay.com) Bạn có thể dễ dàng bắt gặp cảnh tượng những quán bia sau giờ tan tầm chật ních, vang dội những tiếng hô: 1,2,3 Uống. Cũng vào giờ cao điểm đó, rất nhiều ông bố vẫn còn đang mắc kẹt trong những quán bia. Bạn có thể dễ dàng nhìn thấy cảnh các ông bố đèo con bằng xe máy, nôn nóng lạng lách trong dòng người, nổi đóa mỗi khi có ai chèn lên trước. Giữa vô vàn các hình ảnh quen thuộc đó, thì hình ảnh những ông bố điềm tĩnh đèo con đi giữa dòng người, nếu thật sự để tâm quan sát, bạn sẽ thấy ấm áp và yên bình giống như tôi. Cùng là một hành động chở con đi học, nhưng chỉ cần thay hình ảnh ông bố bằng hình ảnh một bà mẹ, cảm giác của đứa con và của chúng ta hẳn sẽ rất khác. Khi người mẹ chở con đi học, dù cô ấy có vô cùng bản lĩnh và điềm tĩnh đi chăng nữa, tôi vẫn cứ cảm thấy có một cái gì đó vất vả, chật vật, đáng thương. Đứa con ngồi sau xe của một bà mẹ, chắc chắn khó có thể cảm thấy bình an và vững chãi như cô bé được bố đèo trên chiếc xe Lead màu đỏ, có lẽ không chỉ bởi tấm lưng của bố rộng hơn, bờ vai của bố vững chãi hơn, bàn tay của bố khỏe khoắn hơn, mà còn bởi cô bé biết rằng dù có sóng gió khó khăn thế nào đi chăng nữa, bố của em vẫn sẵn sàng chia sẻ và làm chỗ dựa cho mẹ con em. Tình yêu của người đàn ông với gia đình của mình chính là chỗ dựa vững chắc nhất để tạo nên một vòng tròn bình an cho vợ con của họ. Mỗi khi đi họp phụ huynh hay tham gia các workshop về nuôi dạy con cái, khi nhìn quanh, tôi thường chỉ thấy các bà mẹ. Mỗi khi chia sẻ về việc nuôi dạy con cái, tôi cũng thường nhận được các phản hồi của các bà mẹ. Khi giới thiệu những cuốn sách hay về gia đình, người hỏi han, tìm đọc cũng thường là các bà mẹ. Trong nhiều gia đình có cả bố lẫn mẹ hẳn hoi, nhưng ông bố gần như vắng bóng trong suốt hành trình lớn lên của một đứa trẻ. Khi những đứa con, đặc biệt là con trai, đến tuổi dậy thì, bắt đầu chống đối người lớn, người mẹ bắt đầu trở nên bất lực, mối xung đột giữa cha mẹ và con cái bùng nổ, thì cũng chính những ông bố ấy, lại đổ hết mọi lỗi lầm nên bà vợ, coi như mình vô can, hoặc sẽ trấn áp đứa con bằng quyền làm bố. Nhưng bởi tài khoản tình cảm mà ông bố này đầu tư cho con không đủ lớn, ông bố không đủ thương yêu và hiểu biết đứa trẻ, đứa trẻ không đủ gắn bó và tin tưởng vào ông bố, cho nên, sự dạy bảo và cả trấn áp của các ông bố, vào thời điểm căng thẳng này trở nên vô hiệu. (nguồn ảnh: Pixabay.com) Tôi chứng kiến rất nhiều gia đình đã xung đột, căng thẳng và thậm chí tan vỡ vào thời kì bùng nổ khủng hoảng này. Trong gia đình, có những việc mà một người mẹ không bao giờ có thể thay thế được, dù cô ấy có đảm đang tài giỏi và mạnh mẽ đến mấy. Vì thế, sự hiện diện của người đàn ông trong ngôi nhà thực sự rất quan trọng. Tôi còn nhớ khi con trai còn bé, bố thường dắt con đi bộ đến trường mầm non gần nhà. Anh giải thích cho con cách đi đường, làm thế nào để đi qua vũng nước, làm thế nào để sang đường, làm thế nào để tránh xe cộ… Thằng bé làm theo răm rắp. Mỗi lần tôi dắt nó đi trên đường, là nó lại kéo tay mẹ, nhắc mẹ phải đi thế này thế này. Sự mạnh mẽ, khôn ngoan, điềm tĩnh để đối phó với hiểm nguy bên ngoài trong những bài học của ông bố đó là cái mà tôi không bao giờ có thể dạy con được. Mỗi khi ống nước, đường điện, máy móc trong nhà bị hỏng, anh loay hoay sửa chữa, thằng con đứng bên cạnh, lăng xăng lấy cho bố cái này cái khác. Nó quan sát, bắt chước, rồi dần dần biết cách dùng tuocnovit, kìm, búa, biết tháo lắp và sửa chữa những đồ lặt vặt trong nhà. Cũng giống như ông bố, nó có một hộp đồ nghề kĩ thuật riêng, bên trong có đủ các dụng cụ, từ máy hàn điện, các loại ốc vít, mạch điện, dây dợ… để có thể tự sửa chữa và chế tạo đồ chơi cho mình. Việc đó là thứ mà tôi hoàn toàn ngu dốt, có học cả đời cũng không bao giờ làm được, huống chi là dạy cho con. Những đứa con, đặc biệt là con trai, sẽ học hỏi ông bố một cách vô thức, không phải bằng những lời giáo huấn, mà từ những hành động nho nhỏ thường ngày. Tài khoản tình cảm mà ông bố gửi vào trái tim của con chắc chắn sẽ lớn lên, nếu mỗi ngày ông bố dành thời gian của mình đầu tư cho nó, thay vì đầu tư cho các mối quan hệ, cho công việc, cho tiền bạc. Khi đứa trẻ lớn lên, bắt đầu xa cách và chống đối người lớn, thì chính tài khoản tình cảm đó sẽ kéo chúng lại, nếu chẳng may chúng có đứng trên bờ vực hư hỏng và sa ngã. Cách mà ông bố đối xử với vợ con của mình sẽ chính là hình mẫu về một người đàn ông, về một gia đình trong tiềm thức của con cái sau này, sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến cách lựa chọn người yêu, vợ, chồng, cách tổ chức gia đình của con cái trong năm, mười năm nữa. Sự khôn ngoan, tầm nhìn rộng rãi, khoáng đạt, ý chí mạnh mẽ và quyết đoán của ông bố sẽ thấm vào đứa trẻ nếu chúng có đủ thời gian cần thiết được gần gũi, tiếp xúc và tiếp nhận sự dạy bảo của ông bố. Những thứ nhỏ bé, tưởng chừng tầm thường mà ông bố làm hôm nay, thực ra sẽ quyết định toàn bộ tương lai của con cái họ, của gia đình họ và cả của số phận họ trong tương lai. (nguồn ảnh: Pixabay.com) Đó chính là một khoản đầu tư, một khoản đầu tư lớn nhất trong cuộc đời, hơn cả đất đai và tiền bạc. Quay trở lại hình ảnh ông bố đèo con đi học, không hiểu sao tôi thấy nó chứa đựng một cái gì đó rất đỗi mạnh mẽ, nam tính. Có lẽ là nó gợi nên một cảm giác che chở. Người bố đang che chở cho con bằng sự vững chãi của cơ thể và tinh thần của mình. Chúng ta thường có cảm giác ngưỡng mộ các anh hùng trong phim, khi anh ta lao vào vòng hiểm nguy, che chở cho một sinh linh yếu đuối nào đó. Vào thời điểm người đàn ông hi sinh bản thân mình để che chở và bảo vệ cho những người yếu đuối hơn mình, ta thường thấy anh ta trở nên hết sức đẹp đẽ, tràn đầy nam tính. Giao thông Việt Nam cũng hiểm nguy, bất trắc, hỗn loạn, người đi đường vào giờ cao điểm cũng phải tả xung hữu đột có khác nào các anh hùng phải chiến đấu với hiểm nguy trong phim. Có lẽ vì lí do này mà tôi đã cảm thấy vẻ đẹp nam tính và phẩm chất anh hùng của các ông bố trong một hành động rất đời thường, dung dị và dường như chẳng có gì đáng nói đó. Các ông bố, chỉ cần các anh ngày ngày chở con đến trường, kiên nhẫn và bình tĩnh vượt qua những chông gai đó, là các anh đã rất anh hùng trong mắt chúng tôi rồi.
Tác giả Jimmy Liao từng viết rằng: “Đứa trẻ nhắm mắt lại nhìn thấy hoa, nhìn thấy giấc mơ, nhìn thấy hi vọng; người lớn nhắm mắt lại, thì ngủ thiếp đi.” Ai cũng cho rằng khi bản thân lớn và trưởng thành rồi, những thứ đẹp đẽ và vui vẻ không còn nữa, cho rằng trưởng thành rồi những giấc mơ sẽ bị đè bẹp. Nhưng còn nhiều điều tốt mà trưởng thành mang đến cho mỗi người. Chí ít, khi người ta cố gắng để trưởng thành hơn, họ sẽ có quyền lựa chọn. Nếu bạn chưa biết lựa chọn thế nào, lựa chọn điều gì, bộ sách Đọc để trưởng thành 2 sẽ giúp bạn tìm kiếm câu trả lời để có thể lựa chọn đích đến cho mình. Bộ sách Đọc để trưởng thành 2 tiếp tục là năm cuốn sách giúp bạn trưởng thành theo năm tháng. Bộ sách gồm: Vươn lên hoặc bị đánh bại; 20 – 30 tuổi, mươi năm vàng quyết định bạn là ai; Không nỗ lực đừng tham vọng, Khéo ăn khéo nói sẽ có được thiên hạ; Carnegie – bậc thầy nghệ thuật giao tiếp. Bằng việc khai thác những khía cạnh khác nhau trong đời sống, mỗi cuốn sách sẽ gợi mở cho bạn định hướng, sự lựa chọn, để bạn thấy rằng trưởng thành thực ra là quá trình rất tuyệt vời. 1. Vươn lên hoặc bị đánh bại - Lựa chọn vươn lên hoặc bị đánh bại. Mở đầu cho chặng đường tìm kiếm đích đến của sự trưởng thành buộc bạn phải lựa chọn cố gắng hay từ bỏ. Nếu để lựa chọn, chắc hẳn chẳng ai lựa chọn mình bị đánh bại, thế nhưng lại chẳng chịu vươn lên. Trưởng thành không có thứ gọi là lưng chừng, rằng để mặc cho cuộc đời cứ trôi qua nhàn nhạt. Nếu bạn không hành động, không nỗ lực cho tuổi trẻ của mình, thì đó đã gọi là thất bại rồi.Cuốn sách “Vươn lên hoặc bị đánh bại” của tác giả Lý Thượng Long sẽ giúp bạn tìm kiếm động lực, để tự hỏi bản thân mình lựa chọn cho quá trình trưởng thành của mình. Con đường phía trước của chúng ta còn rất dài, sau này ai cũng mong muốn có cuộc sống ổn định. Nhưng trước khi ổn định, bạn phải khiến cho mình trở nên nổi bật, khiến mình kiên trì không lùi bước. Đó chính là thông điệp mà Lý Thượng Long muốn nhắn nhủ đến những người trẻ. “Mỗi lần vấp ngã, bạn luôn tự an ủi bản thân" Dù sao cũng đã xuống đáy vực rồi, còn có thể ngã tiếp được sao? Thế nhưng, mỗi lần cho rằng đó là đáy vực, lại đều chỉ là lưng chừng núi mà thôi. Chẳng qua, cuối cùng rồi cũng đến đáy vực, tiếp theo nhất định có thể vươn lên, khôi phục trở lại. Một người luôn cố gắng, số phận sẽ không đến mức tồi tệ.” (trích Vươn lên hoặc bị đánh bại) 2. Không nỗ lực đừng tham vọng - Đây là lựa chọn thay đổi thế giới của mình: “Con người ai rồi cũng trưởng thành. Nhưng chỉ có một số ít người, bằng sự kiên trì của chính mình, bằng sự cố chấp của chính mình, đã làm thay đổi được thế giới, dù thay đổi đó chỉ là chút xíu, dù thay đổi đó chỉ trong thế giới của bản thân” (trích Không nỗ lực đừng tham vọng). Nhắc đến tham vọng, có những người cho rằng đó là thứ tiêu cực, có người lại nghĩ nó là thứ ý chí mạnh mẽ giúp ta đạt được mong muốn một cách mãnh liệt. Một vài người khác thì quả quyết: tham vọng không dành cho những người bình thường. Nhưng trưởng thành không chỉ dành riêng cho bất kỳ ai, tham vọng cũng phải những người giỏi giang mới cần có. Tham vọng của mọi người bình thường, đơn giản là thay đổi thế giới của chính mình. Ai cũng mong muốn thay đổi để cuộc sống trở nên tốt hơn. Và bạn có quyền lựa chọn làm điều đó. Nếu bạn vẫn còn thiếu tự tin vào bản thân mình, hãy thử với “Không nỗ lực, đừng tham vọng” của Lý Thượng Long để củng cố niềm tin cho chính mình. 3. 20, 30 tuổi - Mười năm vàng quyết định bạn là ai - Lựa chọn bản thân mình là người thế nào Từ lựa chọn vươn lên, đến lựa chọn thay đổi, chặng đường tiếp theo chẳng phải là khẳng định mình sao? “Thanh xuân tươi đẹp là thời điểm thích hợp nhất để rèn luyện những thói quen tốt và học hỏi ưu điểm của người khác. Rèn sắt phải nhân lúc nóng. Muốn thành công phải rèn luyện từ khi còn trẻ” (trích 20 - 30 tuổi, mười năm vàng quyết định bạn là ai) Trong boxset Đọc để trưởng thành 2, cuốn sách “20, 30 – mười năm vàng quyết định bạn là ai” sẽ giúp bạn đến gần với vạch đích qua việc tìm kiếm câu trả lời mình là người thế nào và làm thế nào để khẳng định mình. 10 năm - có những khoảng thời gian chỉ là mười năm, nhưng có 10 năm lại là cả cuộc đời, đó là lúc bạn 20 đến 30 tuổi, bản thân cần phải viết khẳng định mình. Mười chương sách với mười chủ đề khác nhau, cung cấp những hành trạng để bạn sẵn sàng, tự tin trên con đường đến đích của trưởng thành. 4. Khéo ăn khéo nói sẽ có được thiên hạ – Lựa chọn cách nói để thành công. Trong quá trình trưởng thành, con người cần học cách giao tiếp. Người ta sẽ tha thứ cho những lời nói ngô nghê, vô tư của những đứa trẻ, nhưng chẳng ai thông cảm cho một người trưởng thành không biết nói đúng nơi, đúng chỗ. Trong hành trình tìm kiếm những sự lựa chọn, đừng quên lựa chọn cách nói để thành công qua cuốn sách “Khéo ăn khéo nói sẽ có được thiên hạ”. Trong cuốn sách này, những bài học về giao tiếp, những tình huống cụ thể sẽ giúp bạn bắt đầu từ việc dám nói chuyện với từng đối tượng cụ thể và xử lí đối với một vài tình huống khó xử. Đây chắc chắn không phải sai lầm khi lựa chọn học cách giao tiếp. 5. Carnegie – bậc thầy nghệ thuật giao tiếp – Lựa chọn nghệ thuật trò chuyện. Trong giao tiếp, có nhiều người có khả năng nói chuyện rất giỏi, tại sao chúng ta không lựa chọn học hỏi họ?. Trong giao tiếp, cũng có nhiều cách nói, tại sao chúng ta không chọn cách nói khiến đối phương vui vẻ, còn chiếm được cảm tình lớn của họ giúp ích cho công việc của mình?. Điểm dừng chân cuối cùng trong hành trình Đọc để trưởng thành - lựa chọn đích đến là “Carnegie – bậc thầy của nghệ thuật giao tiếp”. Cuốn sách này sẽ giúp bạn biết được nghệ thuật nói chuyện qua ba chương tương ứng với ba nội dung: Khiến đối phương vui vẻ khi trò chuyện với bạn; nỗ lực khiến đối phương nhìn nhận sự việc một cách khách quan; giúp đối phương thay đổi nhận thức. Việc tạo mối quan hệ với người khác có thành công không, phụ thuộc rất lớn vào việc bạn lựa chọn nghệ thuật trò chuyện. Bố mẹ hãy đặt ngay bộ sách "Đọc để trưởng thành 2" nhé, bộ sách này thích hợp với tất cả các bạn học sinh từ THCS và cả tuổi sau 30. Bởi nó không chỉ gợi mở những lựa chọn thú vị cho những bạn trẻ trên con đường trưởng thành mà cả trái tim người lớn vẫn còn đang ấp ủ những khát khao, hoài bão vì lý tưởng chưa bao giờ phân biệt tuổi tác. Và đặc biệt bộ sách khiến mỗi chúng ta hoàn thiện bản thân mình trở nên tuyệt vời hơn "Bởi vì người ta sẽ tha thứ cho những lời nói vô tư, ngô nghê vô tư của một đứa trẻ, nhưng chẳng ai thông cảm cho một người trưởng thành không biết nói đúng nơi, đúng chỗ" Trưởng thành là một quá trình dài, trên hành trình đó, bạn sẽ gặp không ít vấp ngã không ít khó khăn, mơ hồ, vô định. Nhưng càng trưởng thành, càng khiến chúng ta có nhiều cơ hội hơn, sáng suốt suốt hơn. Người ta có cơ hội được lựa chọn những điều mà bản thân họ muốn, lựa chọn khiến mình tốt lên, lựa chọn được tự do định hướng cho tương lai, vững vàng dẫu trải qua những giông gió của cuộc đời. (Góc sách HN: 09/04/22)
Nếu những ai đã từng đọc cuốn sách "Bước chậm lại giữa thế gian vội vã" thì không nên bỏ lỡ cuốn sách này của Đại Đức Hae Min. Nó như một liều thuốc vỗ về cho những tổn thương, những ưu phiền của chúng ta vậy. Đọc để được an ủi về tinh thần, để cảm thấy thoải mái hơn, yêu thương bản thân nhiều hơn và vững vàng hơn trong cuộc đời này. Chúng ta luôn luôn tìm kiếm những điều hoản hảo nhất thì hôm nay có người lại nói với bạn rằng hãy yêu cả những điều chưa trọn vẹn, chưa hoàn hảo. Cuốn sách gồm 8 chương, ở đó mỗi chương đều được dẫn dắt bằng những câu chuyện đời thường và kết thúc bằng những lời khuyên chân thành của tác giả. "Yêu những điều không hoàn hảo" là một cuốn sách rất đặc biệt. Nó không dạy bạn làm giàu từ hai bàn tay trắng, nhưng nó sẽ dạy bạn làm giàu tình thương từ trái tim mình. Nó không dạy bạn trở nên thông minh hơn, ghi nhớ tốt hơn mà dạy bạn suy nghĩ thông suốt, nhìn nhận mọi thứ một cách bao dung nhất và hoàn thiên bản thân mỗi người theo cách hoàn hảo của riêng mình. Bởi nếu bạn biết chấp nhận bản thân và yêu thương chính mình thì dù cho bạn có đang mặc cảm, chênh vênh, khổ đau hay tiêu cực..đều sẽ tìm thấy" Một cái tôi khác lớn hơn đang vỗ về những vết thương trong bạn bằng ánh mắt từ bi". Qua đó Hae Min muốn gửi gắm tới bạn đọc về cách để vượt qua những tổn thương, biết mở lòng và đón nhận mọi thứ một cách trọn vẹn nhất bằng cách đưa chúng ta trở về với đứa trẻ thuần khiết vô ngần bên trong bản thân mình. Một cuốn sách rất đáng để đọc vì tất cả chúng ta đều xứng đáng được hạnh phúc! (Góc sách HN: 09/04/22)
HỨNG THÚ LÀ NGƯỜI THẦY GIỎI NHẤT. Trong thời đại kinh tế tri thức, làm thế nào để mỗi đứa trẻ đều biết đọc sách, đúng là một công việc đòi hỏi thách thức lớn. Tuy nhiên phụ huynh chỉ cần tìm cho chúng đọc đúng loại sách chúng thích, chắc chắn sẽ làm thỏa mãn hứng thú đọc sách của chúng. Có một người mẹ có con trai không thích đọc sách, thích học toán và đá bóng. Cô giáo nói con bà học không đều, chỉ tốt các môn tự nhiên, rất khó mà phát triển được. Bà rất muốn tập cho con có thói quen đọc sách, để nâng cao điểm môn văn và mở rộng kiến thức. Mấy năm gần đây, bà đã mua đủ cho con trai đủ các loại sách, có phổ cập khoa học, có sách nhi đồng, có truyện trinh thám, mà con trai phải nói với bà rằng đừng lãng phí thời gian, tiền của nữa. Nhưng người mẹ này vẫn kiên quyết giữ vững lòng tin, chắc chắn tìm được ấn phẩm nào mà con trai thích và hợp với nó. Theo bà nghĩ, đọc sách là công cụ cơ bản để tìm tòi những điều còn chưa biết về thế giới, chỉ cần con trai có hứng thú với những điều chưa biết về thế giới, chắc chắn nó sẽ chủ động đi nắm lấy công cụ đó! Bà cho rằng tìm được ấn phẩm phù hợp với con trước hết phải hiểu trẻ nhiều hơn nữa, gần gũi con nhiều hơn nữa. Bà quyết tâm thức đêm xem những trận đấu bóng World Cup với con trai, nghe con trai nói về Ronaldo … Để có thêm được nhiều cơ hội trao đổi với con, đã đi mua một quyển sách viết về Ronaldo … Con trai nhìn thấy quyển sách trong tay mẹ, mắt nó sáng lên, bắt đầu ngấu nghiến đọc. Người mẹ này đã tỉ mỉ chuẩn bị cho con trai một bữa ăn về văn hóa: Truyện ký về những danh thủ bóng đá, sách về thể thao, văn hóa đá bóng … Sau khi con trai đọc sách, nó chợt phát hiện ra: Những quyển sách này là có ích. Con trai dần mở rộng mảng kiến thức của mình, sách đọc cũng ngày càng phong phú hơn. Đúng là trời không phụ lòng người, người mẹ này đã thành công khi tập cho con trai có được sự đam mê đọc sách. Chỉ khi trẻ tự động đọc sách chúng mới tự giác đọc sách được. Đương nhiên, sở thích của mỗi đứa trẻ đều không giống nhau. Bố mẹ phải quan sát nhiều hơn, nếu như trẻ thích hát nhạc hiện đại đang lưu hành, có thể mua sách về âm nhạc hiện đại cho chúng. Nếu nhu chúng thích những con tem nhiều màu sắc, hãy đặt cho chúng tạp chí “Kiến thức về sưu tầm tem dành cho trẻ con”; Nếu như trẻ thích động vật, có thể giới thiệu cho chúng một vài sách giới thiệu về động vật … Phụ huynh nếu như có thể cùng tận hưởng sở thích với trẻ, ví dụ nếu như trẻ thích nghe nhạc, trước hết bạn hãy nghe nhạc cùng nó, sau đó cùng con nói về những nội dung ở trong sách, như vậy, càng làm cho trẻ càng thấy thích hơn thế giới thần kỳ ở trong sách, làm cho chúng tìm thấy niềm vui trong sách vở, dần dần hình thành thói quen đọc sách tốt. (Trích Làm thế nào để hiểu được trẻ? – Lâm Cách)
TÔI ĐÃ TẠO THÓI QUEN ĐỌC SÁCH CHO CON NHƯ THẾ NÀO? Đây là một câu hỏi tôi được nhận rất nhiều trong những năm qua từ phụ huynh và bạn bè của tôi. Và để trả lời câu hỏi này tôi luôn bắt đầu bằng một câu hỏi: Vậy a/chị có yêu thích sách không? Hay anh chị đã làm gì để tạo thói quen đọc sách cho con? Một nửa trong số đó họ rất yêu sách, có đọc sách cùng con nhưng chưa có phương pháp hiệu quả để tạo thói quen đọc cho con. Số còn lại thấy sách vô cùng quan trọng, nhưng cũng chưa có thời gian để đọc sách cùng với con, vì vậy đương nhiên đều gặp khó khăn, hạn chế trong việc rèn luyện thói quen và tình yêu với sách cho con trẻ. Giáo dục luôn là một tấm gương phản chiếu, vậy nên cha mẹ hãy là một người đọc thực sự để có thể khai phá người đọc tí hon bên trong mỗi đứa trẻ. Bởi vì “Bạn sẽ không thể cho ai đó điều gì nếu bên trong bạn không có điều đó”. Tôi còn nhớ khi con gái lớn của mình lên 3 tuổi tôi thường hay kể chuyện đều đặn cho con nghe vào mỗi tối. Tôi đã thấy trong ánh mắt sáng trong của cô bé năm ấy háo hức chờ đợi câu chuyện của tôi bởi vì mỗi ngày tôi chỉ kể một phần của câu chuyện đó và đoạn thú vị nhất sẽ được kể vào tối ngày mai. Chúng tôi giao kèo với nhau về điều đó và bạn ấy sẽ kiên nhẫn chờ thay vì yêu cầu mẹ phải kể ngay mới chịu ngủ. Sự háo hức tăng dần và con luôn chờ đợi khi mẹ lật mở từng trang sách mới. Niềm vui, sự hứng thú thường bắt đầu bằng sự tò mò và đôi khi lại là cảm giác chờ đợi. Vì vậy hãy tạo sự hứng thú cho con cái niềm yêu sách từ nhỏ, bên cạnh đó còn thể rèn luyện rất nhiều thói quen tich cực cho trẻ như: Sự tập trung, kiên nhẫn, cách kể chuyện… và biết bao những bài học giản dị từ những câu chuyện đó. Tôi tin chắc rằng dần dần tâm hồn bé nhỏ của con sẽ tràn đầy tình yêu thương, lòng biết ơn, những điều tốt đẹp, thiện lương trong con sẽ nảy mầm từ những trang sách đó. Khi con lớn lên, tôi cũng phải đối diện với việc con có thêm nhiều người bạn mới, trò chơi mới..nên việc đọc thường xuyên sẽ khiến con cảm thấy nhàm chán hơn là được xem phim hay đi chơi cùng các bạn. Tôi đã chấp nhận điều đó là điều tất yếu và luôn đi tìm giải pháp cho con. Đó là khi con bắt đầu vào lớp 1, sau buổi học ở trường về bạn ấy mặt buồn thiu, tôi gặng hỏi mãi thì con nói “Con không biết làm cách nào để con có thể nói chuyện và thân thiết với cô hơn mẹ a? Tôi đã bắt đầu nắm bắt được mong muốn của con. Thế là tôi đưa con ra hiệu sách và cuốn sách đầu tiên con tự mua trong cuộc đời của mình chính là cuốn “Làm sao để đối xử tốt với thầy cô”. Sau đó con đọc liền một mạch, mấy hôm sau con vô cùng rạng rỡ khoe với tôi rằng con đã áp dụng 2 điều trong cuốn sách đó để có thể nói chuyện và tạo nên sự thân thiện với cô giáo. Từ hôm đó, con thường xuyên nói chuyện, giúp đỡ cô giáo và bạn bề trong lớp. Hơn nữa con đã có thêm một người bạn mới mang tên “Bạn sách”, người bạn luôn bên cạnh con khi mẹ vắng nhà, sẵn sàng an ủi, động viên, đưa lời khuyên tích cực, bổ ích cho con mọi lúc mọi nơi, đã khiến con luôn tràn ngập niềm vui, hạnh phúc. Sách đã lớn lên bên con như thế.. Trên đây chỉ là một câu chuyện nho nhỏ của tôi. Hi vọng ba mẹ có thêm những góc nhìn, giải pháp hiệu quả về việc đọc của con để luôn hạnh phúc, đồng hành cùng con trên hành trình khôn lớn ấy. (Hà Nội 14/04/2022, CLB Đọc sách cho tương lai )
CÂU CHUYỆN VỀ QUẢ NGỌT Vào đêm hôm ấy-khoảng khắc thật đặc biệt khi chuông điện thoại báo tin nhắn, cô bất chợt thấy tin của con. Con nhắn “Cô ơi con thi Văn TN được 8,5 đ rồi. Cô hạnh phúc quá đỗi bởi vì con đã thực hiện giấc mơ của mình và giờ con có thể tự tin vững vàng trên hành trình phía trước con đã chọn. Nhiều bạn hs khác trong lớp ôn Văn cũng báo với cô được 9,0 và 8,5 và nhiều 8 nữa… Nhưng có lẽ với con là 1 ấn tượng đặc biệt nên cô muốn viết lại để lưu giữ khoảnh khắc này. Con gái bé nhỏ, chúng mình đã bên nhau 3 năm với biết bao bài học, giá trị cô trao gửi cho con. Nhưng cô biết có một bài học về niềm tin mạnh mẽ vào bản thân mình thì chính con cần tự mình vượt qua trong cuộc đời này. Và hãy nhớ rằng con chọn gieo trồng hạt gì sẽ nhận đc quả đó. Hôm nay con đã có quả ngọt đầu mùa rồi nhé❤️ Yêu con????????????